NHỮNG NGƯỜI THẦY CẢM HÓA MẢNH ĐỜI LẦM ĐƯỜNG, LẠC BƯỚC
Những người thầy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ, vẫn ngày đêm lặng lẽ vượt qua bao khó khăn, thử thách để cảm hóa những mảnh đời lầm đường, lạc bước vào con đường nghiện ma túy.
Hành trình đưa những người vướng vào ma túy từ bỏ con đường lầm lỡ, tìm hướng làm lại cuộc đời luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của đội ngũ viên chức, người lao động tại Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ và nỗ lực phấn đấu, vươn lên của những người nghiện ma túy giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội đó chính là những bông hoa tri ân cho công việc thầm lặng của mình.
Tạo môi trường thân thiện, tích cực
Cơ sở được tiếp nhận từ Trường Bổ túc Công nông huyện Phụng Hiệp, được xây dựng trước năm 2000, tuy cơ sở vật chất đến nay đã xuống cấp nhưng bằng sự nỗ lực của viên chức, người lao động đơn vị đã có nhiều đổi mới, Quang cảnh khang trang, sạch sẽ, nhiều cây xanh thẳng hàng, tươi tốt. Đó là nhờ vào công sức chăm sóc của tập thể Cơ sở và các học viên, góp phần vào việc tạo nên không khí tươi vui, sức sống mạnh mẽ, xua đi những cảm giác lo lắng, e ngại của những học viên mới đến lần đầu.
Vào các buổi chiều, một nhóm học viên rủ nhau chơi bóng chuyển, đánh cầu lông, đá cầu, nhóm khác thì ngồi đọc sách, mỗi người chọn cho mình một môn thể thao, một cách thư giãn riêng nhưng trên khuôn mặt mỗi người ai cũng vui vẻ, thoải mái sau những giờ học tập, lao động trị liệu. Việc tạo ra một môi trường thân thiện, tích cực đó là tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề của viên chức, người lao động Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ, dưới sự lãnh đạo của Thầy Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Cơ sở.
Ảnh. Học viên tham gia tập thể dục buổi sáng
Mặc dù cơ sở vật chất tại Cơ sở gặp nhiều khó khăn tuy đã được đầu tư, sửa chữa, cải tạo nhưng đến nay một số nơi đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ đầu năm 2024, Cơ sở tiếp nhận 726 người có thời điểm quản lý 899 học viên (vượt quá công suất) nhưng vẫn đảm bảo và giữ vững tình hình an ninh trật tự, an toàn; thực hiện đúng, đủ chế độ cho từng học viên theo quy định. Với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực khắc phục khó khăn, những người Thầy đặc biệt ở Cơ sở đã giúp 477 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc, tái hòa nhập cộng đồng, có cơ hội để phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Thầy Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ: “Những thành tích trong năm qua là nhờ sự đoàn kết, nhất trí của tập thể viên chức, người lao động đơn vị, sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự phối hợp tốt giữa Cơ sở và các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Gần 900 học viên cai nghiện tại Cơ sở là ngần ấy mảnh đời sa ngã, trượt dài trong vòng xoáy của tệ nạn xã hội. Người nghiện vào Cơ sở ngày càng trẻ hóa, độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm 60%, có những em đang là sinh viên phải bỏ giữa chừng việc học để đi cai nghiện, việc quản lý gần 900 con người không còn lành lặn về thể chất và tinh thần là một việc rất khó khăn cho đội ngũ viên chức, người lao động Cơ sở. Vì vậy, những người Thầy đặc biệt để cảm hóa những mảnh đời lầm đường, lạc bước giúp họ quên đi “cái chết trắng” là một việc vô cùng gian nan, phải có một quá trình chung tay của gia đình và cộng đồng xã hội để những người nghiện được tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện, là người có ích cho gia đình và xã hội”.
Ảnh. Thầy Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Cơ sở chụp ảnh với học viên tại một Chương trình thi diễn năng khiếu
Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ, học viên được tham gia các buổi truyền thông, chuyên đề về “12 giá trị sống”, những bài học hữu ích về các văn bản như: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Nghị định 116/2021/NĐ-CP; Thông tư 29/2022/TT-BLĐTBXH, kỹ năng dự phòng tái nghiện, tái hòa nhập cộng đồng... Qua các buổi học giúp học viên hiểu được những quy định liên quan đến bản thân mình, hiểu được thế nào là giá trị lao động, giá trị hạnh phúc giúp các em có những kiến thức cơ bản để sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện về với gia đình làm lại cuộc đời.
Chữa lành những vết thương
Các học viên trước khi vào Cơ sở đều là những đối tượng lười lao động, hay tụ tập, không có việc làm. Vì vậy Cơ sở phải xây dựng những phương pháp lao động trị liệu, tìm những công việc phù hợp với thể trạng, kỹ năng của học viên để họ tham gia. Trong năm 2024, Cơ sở đã liên kết với Trường Trung cấp nghề Thới Lai mở 10 lớp sơ cấp nghề cho 350 học viên để giúp các họ có kỹ năng, tạo tiền đề để tìm việc khi trở về với cuộc sống đời thường, hạn chế tình trạng tái nghiện.
Ảnh. Cô Lê Thị Bé Diễm, Quản học viên phòng Tư vấn - Quản lý trong 01 buổi chuyên đề về “12 giá trị sống” cho học viên
Việc cảm hóa những mảnh đời lầm đường, lạc bước phải bằng chính trí tuệ và tấm lòng của những người Thầy tại Cơ sở. Bởi, dù nghiện ma túy nhưng họ cũng là con người và cần được đối xử bình đẳng, viên chức, người lao động phải là người giúp các học viên nhìn thấy được mặt tích cực của mình. Từ đó để họ thấy rằng mình vẫn còn có những giá trị nhất định và được tôn trọng. Từ cảm giác được tôn trọng thì học viên mới có thể nghe theo những lời chỉ bảo của viên chức, người lao động tại Cơ sở.
Nhận thấy sự quan trọng của những vấn đề trên, những Thầy, Cô tại Cơ sở tự điều chỉnh mình và lấy bản thân làm gương cho học viên noi theo, từ những việc làm nhỏ nhất, nhận thấy việc từ bỏ ngay thuốc lá là việc làm rất khó, nên đơn vị xây dựng địa điểm “hút thuốc lá”, từ những địa điểm đó, viên chức, người lao động phải thực hiện hút thuốc và bỏ tàn thuốc đúng nơi quy định để học viên nhìn vào đó để noi theo, dần dần sẽ giảm liều và từ bỏ hút thuốc. Mục đích của Cơ sở là chữa lành những vết thương về thể chất và tinh thần của người nghiện, giúp họ ổn định tư tưởng và thực hiện đúng các bước của quy trình cai nghiện ma túy.
Ảnh. Thầy Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy cùng các học viên trao đổi về một quyển sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4
Để làm được những việc trên, viên chức, người lao động tại Cơ sở phải đánh đổi rất nhiều. Có những đồng chí gắn bó với Cơ sở trên 20 năm nhưng đôi lúc chưa được hưởng những cái tết trọn vẹn với gia đình. Nhưng nhìn vào những tấm gương học viên đã từng cai nghiện tại Cơ sở nay đã cai nghiện thành công vượt khó vươn lên, những Thầy Cô tại Cơ sở lấy đó là động lực phấn đấu, xua tan những cực khổ đã trải qua, cùng nhau đoàn kết xây dựng một Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ ngày càng vững mạnh và phát triển, xứng đáng với sự mong đợi của Lãnh đạo các cấp, quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy./.
Người viết: Đào Huỳnh Diễm Anh